Thursday, June 20, 2013

Báo in trong kỷ nguyên số: Chờ hồi thái lai

(HQ Online)- Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, trong vài thập kỷ qua, báo in- “người anh cả” của các loại hình truyền thông đại chúng, đang phải trải qua cơn bĩ cực nhất trong lịch sử.

EPaper - một trong những xu hướng phát triển của báo in trong kỷ nguyên số

Khắp từ Tây sang Đông, từ châu Mỹ tới châu Âu thậm chí cả châu Á… người ta đều thấy hiện tượng những tờ báo, tạp chí danh tiếng lừng lẫy đang lâm vào cảnh suy giảm mạnh về doanh số phát hành, buộc phải đình bản hoặc đóng cửa.

&Ldquo;Zeitungssterben” (tạm dịch là “cái chết của báo in”)

Đơn cử như “cây đại thụ” 80 năm tuổi Newsweek của Mỹ, đã phải nói lời từ biệt, đình bản để chuyển hoàn toàn sang bản báo điện tử, hay DAPD - hãng thông tấn lớn thứ hai nước Đức, từng là đối thủ cạnh tranh của nhiều hãng thông tấn lớn khác như AFP, Thomson Reuters... Đã chính thức ngừng hoạt động vì không tìm được nhà đầu tư.

Có lẽ bấy nhiêu dẫn chứng thôi cũng đủ để chứng minh chuỗi thảm họa mang tên “Zeitungssterben” (tạm dịch là “cái chết của báo in”) mà người Đức đã đặt cho cuộc khủng hoảng của báo in. Tuy nhiên, “ông trùm” truyền thông Rupert Murdoch khẳng định những ai cho rằng báo in đang dần bị giết chết là “những người thiếu suy nghĩ”, đồng thời tin tưởng “báo in sẽ vươn tới những đỉnh cao mới trong thế kỷ 21”.

Nhận định của ông chủ Tập đoàn News Corp. Không phải là không có khả năng bởi báo cáo do Zogby International thực hiện cho Diễn đàn Biên tập viên thế giới và hãng tin Reuters cho thấy các biên tập viên báo in cũng đang rất lạc quan về tương lai của các ấn phẩm mà họ đang làm nhưng cho rằng chúng sẽ phải thích ứng với kỷ nguyên kỹ thuật số.

Khoảng 86% những người được hỏi cho rằng các tòa soạn sẽ được tích hợp nhiều dịch vụ kỹ thuật số hơn và cứ 3 người thì 2 người nói phương thức tiêu thụ tin tức thông dụng nhất sau khoảng 1 thập kỷ tới sẽ là thông qua các phương tiện điện tử như Internet hoặc điện thoại di động.

Giải pháp eNewspaper

Thực tế, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin, các loại hình truyền thông đã được hội tụ trong một phương thức hoạt động mới. Từ đó, đã có luồng ý kiến cho rằng giải pháp eNewspaper, viết tắt là ePaper, ra đời vào khoảng năm 2003, là tương lai của báo in.

Xu hướng ePaper trở thành một xu hướng mới bắt đầu từ khoảng giữa năm 2004. Với những màn hình phẳng chất lượng cao, những tờ báo trên mạng “như thật” này rất hấp dẫn, nhất là những người đã trở thành độc giả trung thành của một tờ báo nào đó. Nó chẳng khác gì việc cầm một tờ báo thật trên tay.

Vì đây là “đọc có trả tiền” chứ không phải báo miễn phí nên độc giả sẽ không bị khó chịu bởi những hình quảng cáo trong bài và nếu có bận đi họp, hoặc di chuyển trên xe buýt, tàu điện ngầm thì họ chỉ cần ra lệnh in vào khổ giấy lớn, vậy là đã có trong tay nguyên một tờ báo để đọc.

Báo... Miễn phí

Trong khi đó, khoảng 56% cho rằng đa phần các tin tức, dù là qua ấn phẩm in hay Internet, sẽ đều được cung cấp miễn phí trong tương lai. Những người thiên về mô hình miễn phí chủ yếu đến từ các thị trường báo chí “đang nổi lên” như Nam Mỹ, Đông Âu, Nga, Trung Đông và châu Á, nơi có đến 61% khẳng định tin tức sẽ hoàn toàn miễn phí.

Ở Tây Âu tỷ lệ này là 48%, còn Bắc Mỹ là 50%. Ưu điểm của loại báo này là người đọc không phải trả tiền, khổ báo nhỏ dễ cầm, ngôn ngữ viết dễ đọc, bài viết ngắn gọn. Chẳng thế mà theo thống kê của trang Thông tin FDN (Báo miễn phí hàng ngày) tháng 12-2007, báo miễn phí hàng ngày đã xuất hiện ở 52 nước với 42 triệu bản mỗi ngày, thu hút khoảng 72 triệu bạn đọc.

Đổi khổ báo

Không chỉ vậy, ngay trong nội tại của báo in cũng có những thay đổi để bắt kịp với đời sống hiện tại và cũng để tránh khỏi sự “diệt vong” trong tương lai. Đó là xu hướng chuyển từ khổ báo to sang khổ nhỏ, đề cao vai trò của thuyết nhiều cửa, kênh đồ hình, tin bài trên báo cô đọng và súc tích hơn.

Từ trước tới nay, các tờ báo lớn thường nghiễm nhiên được mặc định là báo đưa tin chính thống, còn báo khổ nhỏ thường đưa tin giật gân, lá cải. Tuy nhiên, xu thế này đã dịch chuyển và tờ “Independent” của Anh là tờ báo “nổ phát súng” đầu tiên mở đường cho xu hướng này để giúp người đọc dễ dàng đọc khi di chuyển.

Bắt đầu từ năm 2003, họ đã chuyển từ khổ lớn sang khổ nhỏ và bán đồng thời hai khổ báo này nhằm đảm bảo với công chúng rằng tuy có sự khác biệt về hình thức song nội dung giữa hai tờ không có gì thay đổi. Bên cạnh đó, báo in hiện đại không còn ảnh chỉ là minh họa như trước đây, mà đã coi hình ảnh, biểu đồ, đồ thị, tranh minh họa... Là một yếu tố cấu thành bài báo nhằm để giảm thiểu số từ.

Ngoài ra, với ưu thế các phóng viên, biên tập viên có thời gian tìm hiểu, chọn lọc, cân nhắc kỹ sự kiện, nên thông tin trên báo in dần đi sâu vào chuyên đề, chuyên biệt, gợi ra nhiều vấn đề trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, giúp người đọc có cái nhìn rõ nét hơn về con người và cuộc sống, không còn cảnh cạnh tranh với báo mạng điện tử về tốc độ cập nhật thông tin và tính đa phương tiện.

Với những thay đổi trên, có lẽ "cái chết của báo in" chỉ là một cách cảnh báo của riêng người Đức. Có lẽ với công chúng trung thành, gắn bó với báo in trong suốt hơn 500 năm qua, không dễ gì để họ thay đổi thói quen chờ những tờ báo in thơm mùi giấy mực mỗi ngày... Và công chúng hoàn toàn có thể mong chờ vào một ngày thái lai của báo in trong kỷ nguyên số.

Ngọc Hà

No comments:

Post a Comment