Thursday, June 20, 2013

Báo chí của cơ quan nhà nước | chơi phỏm online

Trong một nỗ lực vượt bậc trước nhiều tác động khách quan, báo chí Việt Nam vẫn đang giữ vai trò chủ đạo trong bối cảnh truyền thông ào ạt hiện nay. Đối mặt với sự chi phối của những luồng thông tin xuất hiện dễ dàng và thản nhiên trên những trang mạng xã hội, đa số các nhà báo và các tờ báo vẫn đang bình tĩnh tôi luyện phẩm chất nghề nghiệp để đưa ra những sản phẩm có trách nhiệm. Tuy nhiên, vào ngày Nhà báo Việt Nam, không thể không thẳng thắn nhận ra đây đó trong hệ thống báo chí Việt Nam đã có sự lẫn vào của những luồng thông tin thiếu kiểm chứng, đã thấy thấp thoáng nguy cơ a dua, thiên lệch về quan điểm, đặc biệt là xu hướng giật gân câu khách tạo ra một phần tâm lý bi quan về hiện thực xã hội trong dư luận…


 
Nhà báo Hồng Thanh Quang
 
Báo chí Việt Nam ngày nay dù cho công nghệ có phát triển đến đâu, phải chịu trách nhiệm thế nào trước bạn đọc, trước đất nước, trước nhân dân cho một mục tiêu chung vì sự ổn định và phát triển của đất nước? Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng nhà báo Hồng Thanh Quang – Phó tổng biên tập báo Công an Nhân dân xung quanh những chủ đề như vậy.
 
Tin không phải của nhà báo là tin rác
 
Báo chí, thưa ông, trong một cách nhìn nghiêm cẩn về nghề nghiệp thì vai trò định hướng dư luận chắc chắn vẫn phải đưa lên hàng đầu?
 
- Nhà báo không phải là người dùng công cụ để đưa tin, có những gì mắt thấy tai nghe là đưa lên, mà nhà báo là người biết xử lí thông tin, thẩm định thông tin, truyền tới công chúng những thông tin có trách nhiệm. Bao giờ trong làm tin cũng phải có thao tác. Không phải cứ thấy gì đưa lên được coi là thông tin. Nhiều khi đấy là rác chứ không phải tin. Nhà báo khác người đưa tin ở chỗ phải có thao tác, trách nhiệm làm báo! Mọi người cứ nghĩ mình chụp ảnh hoặc nhìn thấy cái gì mình kể lại không thẩm định gì, theo chủ quan của mình, không kiểm tra lại…đã là phóng viên rồi. Thực ra làm báo có rất nhiều thao tác, thông tin vừa chính xác, vừa nhanh nhạy lại vừa phải tin cậy. Chính vì thế, những trang mạng không bao giờ là cơ quan báo chí được, chính ở phẩm chất đầu tiên ấy. Và nhà báo cũng khác những người không phải làm nhà báo ở chính trách nhiệm ấy, ở trình độ nghề nghiệp ấy!
 
Là người làm báo kì cựu rồi, ông bình luận gì về việc bản thân không ít nhà báo và tờ báo đang bị những nguồn thông tin trên mạng (chưa được kiểm chứng) dẫn dắt và chi phối?
 
- Tôi nhớ cách đây khoảng mấy chục năm, khi internet mới bắt đầu phôi thai, nhà văn khoa học viễn tưởng rất nổi tiếng người Ba Lan, Stanislaw Lem đã nói internet "mới phôi thai đã làm tôi phát khiếp”. Nghĩa là vào lúc mới có những hình dung đầu tiên về khả năng của internet thì Lem đã phát khiếp rồi, mặc dù ông là nhà tư tưởng, lại viết các tác phẩm khoa học viễn tưởng. Sự xuất hiện của các phương tiện kĩ thuật hiện đại nếu người làm nghề có nhận thức văn minh, viết hoặc biên tập đúng mực, đúng đạo đức thì rất tốt. Còn nếu phương tiện ấy rơi vào tay những người không có lương tâm thì lại trở thành một cái hại chính niềm tin của độc giả đối với báo chí. Tôi nghĩ rằng, những người làm báo chúng ta không ý thức được điều này sẽ rất có hại cho danh dự chung của báo chí Việt Nam, của chính các nhà báo.
 
Nhiều tin rác xuất hiện sẽ làm xã hội rối loạn
 
Ông đang nói đến niềm tin của bạn đọc, nhưng bản thân tôi dù cũng làm báo thì cũng không ít lần cảm thấy hoang mang trước những thông tin báo chí đăng tải. Nhưng có vẻ như bạn đọc ngày nay quan tâm đến những thông tin giật gân hoặc không chính thống hơn? Nói thế không hiểu có bị coi là quy chụp?
 
- Độc giả bây giờ đúng phải là "người tiêu dùng thông minh”. Bởi vì hiện nay, tất cả đều có quyền xuất hiện, kể cả người không phải là nhà báo, tôi không nói chuyện danh nghĩa, mà là cái phương tiện để loan truyền thông tin tới người khác. Và độc giả, không biết phân biệt đâu là tin của nhà báo, đâu chỉ đơn giản là tin rác (tin không phải của nhà báo thì là tin rác). Tin rác cũng có cái tích cực là sẽ làm phong phú, đa dạng thông tin hơn nhưng mà tỉ lệ cao quá sẽ làm cho xã hội rối loạn. Những cái không lành mạnh sẽ lấn át những cái lành mạnh. Nó đánh đúng vào sự tò mò, vào thị hiếu tiêu dùng của thời đại mà thư viện đang vắng khách hơn quán cà phê! Tin rác đôi khi lại "câu view” hơn những tin lành mạnh. Điều đó đáng lo ngại!
 
Tất nhiên, chúng ta chẳng có quyền năng gì để ngăn chặn chuyện đấy, nhưng ít ra chúng ta là những nhà báo lành mạnh thì cũng nên góp phần vào giảm thiểu những điều như vậy, để nâng cao tinh thần trách nhiệm cho chính bản thân mình. Tôi nói như vậy cũng chỉ để nhắc nhở mình cố gắng làm hết phần việc của mình làm sao để có lương tâm hơn đối với xã hội và độc giả. Nói thì to tát nhưng khi mình có lương tâm hơn, tử tế hơn với xã hội và độc giả thì mình mới có phương tiện để sống. Bởi vì cứ theo cái đà cả các cơ quan báo chí cũng chạy theo tin rác, độc giả không tin mình nữa thì báo chí sẽ phá sản.
 
Đúng là con người trong xã hội ngày nay vất vả quá, hàng ngày phải đối mặt với việc lựa chọn thực phẩm và những nhu cầu thiết yếu khác, nay đến cả nhu cầu tinh thần cũng phải tự chọn lọc thông tin để tránh "ô nhiễm”. Có lẽ phải có vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực này?
 
- Một cái tin khi kể trước công chúng, đưa tin cho công chúng sẽ khác chuyện nói trong phòng ngủ và nói ở nhà bếp. Hiện nay, rất đáng lo ngại, một số phương tiện truyền thông đưa tin theo cách nói chuyện ở phòng ngủ hoặc ở nhà bếp… Cũng là một sự việc trung thực nhưng khi diễn giải ra xã hội nó phải khác. Một số tờ báo hoặc trang mạng lại đi khai thác những chi tiết theo kiểu phòng ngủ hơn là khai thác những chi tiết đứng đắn ra xã hội của sự kiện kinh tế, xã hội, văn hóa… Và lâu dần, với những người đứng tuổi có kinh nghiệm thì sẽ đỡ hơn nhưng với lớp độc giả mới sẽ rất có hại. Bởi cứ theo cách làm này, tỉ lệ tin bài như thế gia tăng sẽ tạo ra một lượng độc giả quen dần và coi chuyện đó là bình thường. Tôi nghĩ đó là cái hại chung cho văn hóa. Hiện nay, các chế tài của ta vừa thiếu lại vừa yếu, ai cũng thích làm vừa dễ dãi mà kiếm được tiền sẽ lôi kéo những người mới vào nghề, thậm chí tha hóa cả những người đã lâu năm trong nghề, nếu không có vững vàng trong bản lĩnh nghề nghiệp.
 
Tâm thức người làm nghề hiện nay có giảm sút
 
Tôi nhận thấy trong câu chuyện hôm nay, ông có sự thất vọng về chính không ít các đồng nghiệp đang chạy theo lợi nhuận?
 
- Trong cuộc đời khi mới bước vào làm báo, niềm tin của tôi vào cái gọi là báo chí rất cao, vào đội ngũ đồng nghiệp của mình cũng rất cao! Nhưng bây giờ, ngay cả bản thân tôi với tư cách một độc giả cũng ngày càng thấy phải tự chọn lọc những phương tiện mà mình có thể tin cậy được, những nhà báo mà mình có thể tin cậy được thì mới đọc. Đối với người làm nghề còn như thế, thì đối với độc giả bình thường thế nào?
 
Cuộc sống ngày xưa trên bình diện chung của xã hội để đáp ứng nhu cầu tối thiểu của một nhà báo bình thường cũng không cần quá nhiều tiền. Nhưng bây giờ để đáp ứng được nhu cầu văn minh thì lại cần rất nhiều tiền, điều đó là chính đáng vì cả xã hội đều thế. Và có nhu cầu kiếm tiền thì nảy sinh ra cách làm báo bằng mọi giá. Ví dụ, người ta có thể bán cả đồng chí, đồng đội miễn là để "câu view”. Chính vì thế, hiện nay xuất hiện những người mà mình rất xấu hổ khi gọi họ là đồng nghiệp của mình. Mặc nhiên họ cũng có thẻ nhà báo như mình, nhưng cách hành nghề đã thành sự báo động. Chính vì thế, một mặt xã hội, tôi có cảm giác chúng ta càng ngày càng có nhiều phương tiện hơn, dân chủ hơn. Nhưng cái tâm thức văn hóa của ngay cả những người làm nghề thì hiện nay so với ngày xưa, tôi thấy có giảm sút tình đồng nghiệp, tính đạo đức…
 
Nếu tiếp tục thông tin thiếu trách nhiệm sẽ đến lúc bạn đọc chối bỏ báo chí
 
Thưa ông, có vẻ rất nhiều người đang núp dưới lý thuyết "phản ánh sự thật” để làm báo theo xu hướng như vậy. Đã đành là sự thật, nhưng đó là sự thật nào? Đã được kiểm chứng hay chưa? Và nó hướng bạn đọc tới điều gì?
 
- Báo chí không sửa đổi được hiện thực, nhưng nếu cứ khai thác hiện thực theo hướng làm cho độc giả bất an thì nên không? Quan điểm của tôi là ngay cả khi phản ánh hiện tượng tiêu cực báo chí cũng phải giúp cho con người tin và hướng về phía ánh sáng. Chứ nhiều chuyện giật gân, những chuyện bêu xấu cá nhân tràn ngập như hiện nay thì cũng sẽ đến lúc bạn đọc tự chối bỏ thông tin. Họ không cần tiếp nhận những thông tin như thế để làm gì. Nhiều người hiện nay đã nói rằng, nếu không lên mạng đọc tin thấy cuộc đời đáng sống hơn. Xã hội chúng ta hiện nay đúng là còn có thế này, thế kia nhưng cuộc sống của chúng ta đâu đến nỗi như những tờ báo đó phản ánh. Truyền thông vừa là công cụ tốt, vừa tác hại ở chỗ đấy. Truyền thông có thể nhân rất nhiều cái tốt lên nhưng cũng lại có thể làm cái xấu trở nên kinh dị hơn thực chất nó có.
 
Báo chí đứng bên con người để làm cho cuộc sống tốt hơn
 
Vậy thì thưa ông, đại đa số những cơ quan báo chí chân chính, những nhà báo chân chính nên làm gì để lấy được niềm tin của công chúng, kéo công chúng về với những thông tin đã được kiểm chứng và có trách nhiệm?
 
- Ở đây tôi muốn nói rằng, vừa là sự điều phối chung của xã hội vừa là trách nhiệm của từng nhà báo, từng cơ quan báo chí. Chúng ta vẫn chân thực phản ánh sự thật. Như tôi đã từng nói, báo chí có nhiều chức năng nhưng có một chức năng báo chí cần phải đứng bên con người để cho con người sống tích cực hơn, có đủ nghị lực để sống. Tôi vẫn trình bày hiện thực một cách chân thực nhất nhưng có thể làm cho người ta tin vào cái tích cực. Đấy mới là báo chí! Và hiện nay tôi thấy có một số cơ quan báo chí, một số đồng nghiệp của tôi hình như quên đi điều đó mà chỉ làm cho xã hội trở nên ghê rợn hơn. Nhà báo không thể tự thay đổi, diệt trừ được cái xấu trong xã hội nhưng chúng ta có thể làm cho con người khi đứng trước cái xấu ấy không bị tuyệt vọng, thì tôi nghĩ đó cũng là một nhiệm vụ của báo chí!
 
Trân trọng cảm ơn ông!
Cẩm Thúy (thực hiện)

No comments:

Post a Comment